Thành Lập Trường
Trước thế kỷ thứ 20, nền giáo dục khoa bảng tại Việt Nam ít quan tâm đến việc giáo dục nữ sinh. Vào năm 1908, một số nhà giáo dục và trí thức Việt Nam khởi ý đề nghị và gửi thư yêu cầu chính quyền địa phương thành lập một ngôi trường đa cấp (mẫu giáo, tiểu học và trung học) dành riêng cho nữ sinh. Ðơn thỉnh nghị được chấp thuận vào năm 1909 nhưng vì không đủ ngân khoảng nên việc xây cất chỉ được khởi xướng vào năm 1913. Ngôi trường tọa lạc trên một khoảng đất rộng trên đường Legrand de la Liraye, thuộc thành phố Sài Gòn.
Khai Giảng Trường
Công trình xây cất kéo dài khoảng hai năm. Thống đốc Roume đã cắt băng khánh thành và tuyên bố khai giảng niên học đầu tiên vào năm 1915. Hội Ðồng Quản Trị của trường đã chọn tà áo dài màu tím – tượng trưng cho sự tinh khiết của phụ nữ Việt Nam – làm đồng phục cho nữ sinh của trường. Kể từ ngày đó, trường được gọi là “Trường Nữ Sinh Áo Tím”.
Niên Học Ðầu Tiên
Trường có 42 nữ sinh trong niên khóa đầu. Các nữ sinh này đều cư ngụ tại thành phố Sài Gòn hoặc các vùng lân cận. Sau này trường mới mở thêm cư xá nội trú cho các nữ sinh đến từ các thành phố khác. Trường có nhiều cấp, từ lớp mẫu giáo đến những lớp cao cấp hơn. Học sinh phải thi lấy Chứng Chỉ Căn Bản Giáo Dục sau khi tốt nghiệp các lớp cao cấp.
Mở Mang Trường
Năm 1918, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của học sinh, một tòa nhà thứ hai được xây song song với tòa nhà thứ nhất. Tầng dưới của tòa nhà mới này được dùng làm nơi nội trú cho các nữ sinh ở xa nhà. Phía sau là một ngôi nhà trệt trong đó có bệnh xá, phòng giặt và nhà bếp. Các lớp nữ công gia chánh và thêu thùa cũng được giảng dạy ở nơi này.
Khai Giảng Bậc Trung Học Ðệ Nhất Cấp
Vào tháng 9 năm 1922, Thống Ðốc Albert Sarraut chính thức khai giảng lớp đầu tiên của bậc Trung Học Ðệ Nhất Cấp. Một bảng đá bằng cẩm thạch với danh hiệu “Trường Của Những Thiếu Nữ Bản Xứ” được khắc trước cổng trường. Tuy nhiên tên này không được thông dụng bằng tên Trường Nữ Sinh Áo Tím. Vị hiệu trưởng đầu tiên của trường nữ trung học này là cô Lagrange, người Pháp. Những nữ sinh muốn theo học bậc trung học đệ nhất cấp phải qua khóa thi căn bản giáo dục và kỳ thi tuyển vào trường.
Học sinh bắt đầu học Pháp Văn từ cấp lớp căn bản. Pháp ngữ là sinh ngữ chính thức được dùng trong việc giảng dạy các lớp bậc trung học đệ nhất cấp. Nữ sinh chỉ được dùng Pháp ngữ để đàm thoại trong trường. Tiếng Việt chỉ được dạy mỗi tuần hai giờ trong giờ Việt Văn.
Tham Gia Hoạt Ðộng Chính Trị
Năm 1926, liệt sĩ Phan Chu Trinh, thuộc phong trào Duy Tân, qua đời. Học sinh toàn quốc, từ Bắc chí Nam, kể cả nữ sinh trường Áo Tím, đã nghỉ học để tỏ lòng ủng hộ Cụ. Ðáng tiếc thay, nguyên nhân này đã đưa đến việc một số nữ sinh bị cầm tù và bị đuổi học vĩnh viễn.
Thời Kỳ Ðệ Nhị Thế Chiến
Mùa hè năm 1940, quân đội Nhật chiếm đóng trường. Vì vậy trường phải tạm dời về trường tiểu học Ðồ Chiểu tại vùng Tân Ðịnh. Ngay sau khi quân đội Nhật trao trả lại ngôi trường thì quân đội Anh Quốc lại tiếp thu trường dùng làm trại lính cho đến năm 1947. Lúc ấy trường bị hư hại nhiều và vị hiệu trưởng lâm thời đã phải kêu gọi mạnh thường quân đóng góp tài chính để tu sửa trường.
Mở Mang Trường
Vào năm 1949, trường lại được nới rộng hơn. Một tòa nhà hai tầng được xây trên đường Bà Huyện Thanh Quan và sát nhập vào trường để đáp ứng sỉ số nữ sinh theo học ngày một gia tăng.
Hiệu Trưởng Người Việt
Niên khóa 1950-1951 là một niên khóa đáng ghi nhớ trong lịch sử của trường vì Cô Nguyễn thị Châu, cựu học sinh Áo Tím, được bổ nhiệm làm vị hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên của trường. Kể từ năm 1952, hệ thống giáo dục bắt đầu thay đổi. Chương trình Pháp được đổi dần qua chương trình Việt. Trong hệ thống giáo dục mới, Pháp và Anh ngữ là những ngoại ngữ được giảng dạy và là môn học bắt buộc cho các nữ sinh Trường Áo Tím.
Thay Ðổi Ðồng Phục và Tên Trường
Năm 1953, đồng phục áo dài tím được thay thế bằng chiếc áo trắng với phù hiệu của trường – đóa mai vàng – khâu lên trên áo. Sau khi giành được độc lập từ Pháp, chính quyền Việt Nam đã chọn tiếng Việt làm tiếng quốc ngữ trong việc giáo dục. Sau đó trường được đổi tên là Trường Nữ Trung Học Gia Long (Tên của vị vua đầu tiên triều Nguyễn).
Sự Bành Trướng Của Trường
Qua những chương trình khuếch trương, trong trường được xây thêm thư viện (1965), phòng thí nghiệm vật lý và hóa học (1966), và hồ bơi (1968).
Sau khi chính quyền Việt Nam Cộng Hoà bị sụp đổ vào cuối tháng 4 năm 1975, trường Gia Long lại một lần nữa đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai.
Danh Sách Các Vị Cựu Hiệu Trưởng
Sau đây là danh sách các vị cựu hiệu trưởng từ lúc sáng lập trường đến năm 1975:
Cô Lagrange, Cô Lorenzi, Cô Pascalini, Cô Saint Marty, Cô Fourgeront, Cô Malleret, Cô Dubois, Cô Nguyễn Thị Châu, Cô Hùynh Hữu Hội, Cô Nguyễn Thu Ba, Cô Trần Thị Khuê, Cô Phạm Văn Tất, Cô Trần Thị Tỵ.