Thành Lập

Trước thế kỷ thứ 20, nền giáo dục khoa bảng tại Việt Nam ít quan tâm đến việc giáo dục nữ sinh nên vào năm 1908, các nhà trí thức Việt Nam đã gửi thư yêu cầu chính quyền địa phương thành lập một ngôi trường đa cấp dành riêng cho nữ sinh. Vì không đủ ngân khoản nên "Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên" để khởi xướng việc xây cất trường được cử hành vào ngày 6 tháng 11 năm 1913 trên đường Legrand de la Liraye, thành phố Sài Gòn.

Khai Giảng

Ngày 19 tháng 10 năm 1915, Toàn quyền Roume và Thống đốc Courbeil đã cắt băng khánh thành và tuyên bố khai giảng khóa học đầu tiên cấp tiểu học, chỉ có 42 nữ sinh. Trường có nhiều cấp từ mẫu giáo đến những lớp cao cấp hơn. Học sinh phải thi Bằng Chứng Chỉ Căn Bản Giáo Dục sau khi tốt nghiệp các lớp cao cấp.


Hội Ðồng Quản Trị của trường đã chọn tà áo dài màu tím - "tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo, tinh khiết và khiêm nhường của phụ nữ Việt Nam"- làm đồng phục cho nữ sinh của trường. Kể từ ngày đó, trường được mệnh danh là “Trường Nữ Sinh Áo Tím”.

Mở Mang

Năm 1918, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của sĩ số học sinh, một tòa nhà thứ hai được xây song song với tòa nhà thứ nhất. Tầng dưới của tòa nhà mới này được dùng làm nơi nội trú cho các nữ sinh ở xa nhà. Phía sau là một ngôi nhà trệt trong đó có bệnh xá, phòng giặt và nhà bếp. Các lớp nữ công gia chánh và thêu thùa cũng được giảng dạy ở nơi này.

Khai Giảng Bậc Trung Học Ðệ Nhất Cấp

Vào tháng 9 năm 1922, Thống Ðốc Albert Sarraut chính thức khai giảng lớp đầu tiên của bậc Trung Học Ðệ Nhất Cấp. Một bảng đá bằng cẩm thạch với danh hiệu “Trường Của Những Thiếu Nữ Bản Xứ” được khắc trước cổng trường. Tuy nhiên tên này không được thông dụng bằng tên Trường Nữ Sinh Áo Tím. Vị hiệu trưởng đầu tiên của trường nữ trung học này là cô Lagrange, người Pháp. Những nữ sinh muốn theo học bậc trung học đệ nhất cấp phải qua khóa thi căn bản giáo dục và kỳ thi tuyển vào trường. Học sinh bắt đầu học Pháp Văn từ cấp lớp căn bản. Pháp ngữ là sinh ngữ chính được dùng trong việc giảng dạy các lớp bậc trung học đệ nhất cấp. Tiếng Việt chỉ được dạy mỗi tuần hai giờ trong giờ Việt Văn.

Thời Kỳ Ðệ Nhị Thế Chiến

Mùa hè năm 1940, quân đội Nhật và sau đó quân đội Anh chiếm đóng trường nên phải tạm dời về trường tiểu học Ðồ Chiểu ở Tân Ðịnh. Nha Học Chánh đổi tên trường là Collège Gia Long (tên vị vua đầu tiên của triều Nguyễn). Sau này, khi thành lập các lớp trung học đệ nhị cấp và bãi bỏ các lớp tiểu học, tên trường được đổi thành Lycée Gia Long.

Mở Mang

Vào năm 1949, trường lại được nới rộng hơn. Một tòa nhà hai tầng được xây trên đường Bà Huyện Thanh Quan và sát nhập vào trường để đáp ứng sĩ số nữ sinh theo học ngày một gia tăng.

Hiệu Trưởng Người Việt

Niên khóa 1950-1951, Cô Nguyễn thị Châu, cựu nữ sinh Áo Tím, được bổ nhiệm làm vị hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên của trường. Kể từ năm 1952, hệ thống giáo dục bắt đầu thay đổi và chương trình Pháp được đổi dần qua chương trình Việt.

Trong hệ thống giáo dục mới, Pháp và Anh ngữ là những ngoại ngữ được giảng dạy và là môn học bắt buộc cho các nữ sinh trường Gia Long.

Thay Ðổi Ðồng Phục và Tên Trường

Từ năm 1953, khi tiếng Việt được dùng trong mọi cơ sở của người Việt Nam, trường đã được đổi tên là trường Nữ Trung Học Gia Long. Đồng phục áo dài tím được thay thế bằng chiếc áo trắng với phù hiệu của trường - hoa mai vàng. Chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp cũng được hoàn toàn đổi sang tiếng Việt.

Canh Tân

Vào năm 1964, trường bỏ chế độ nội trú và sửa các phòng này thành phòng học với tổng cộng khoảng 4000 học sinh, gồm 55 lớp từ đệ Tứ đến đệ Nhất học buổi sáng và 45 lớp từ đệ Thất đến đệ Ngũ học buổi chiều.

  • Năm 1965, trường dời thư viện từ phạm vi của một lớp học sang vị trí mới và rộng hơn ở tòa nhà trước kia là nhà bếp và phòng giặt cho nội trú.
  • Phòng thí nghiệm Vật Lý và Hóa Học cũng được mở rộng và trang bị đầy đủ hơn vào năm 1966.
  • Năm 1967, mở rộng giảng đường và trang bị thêm phòng nhiếp ảnh.
  • Hồ bơi được xây vào năm 1968.

Ðổi Tên

Sau năm 1975, trường đã bị đổi tên và không còn là Trường Nữ Trung Học Gia Long như ngày xưa nữa.

Danh Sách Các Vị Cựu Hiệu Trưởng

Sau đây là danh sách các vị cựu hiệu trưởng từ lúc sáng lập trường đến năm 1975:

  • Cô Lagrange
  • Cô Lorenzi
  • Cô Pascalini
  • Cô Saint Marty
  • Cô Fourgeront
  • Cô Malleret
  • Cô Dubois
  • Cô Nguyễn Thị Châu
  • Cô Hùynh Hữu Hội
  • Cô Nguyễn Thu Ba
  • Cô Trần Thị Khuê
  • Cô Trần Thị Tỵ
  • Cô Phạm Văn Tất